ZingTruyen.biz

14 Tich Phap Cu Tap 1 Pc01 Pc60

"Người nhặt các loại hoa

Ý đắm say tham nhiễm

Các dục chưa thỏa mãn

Thần chết đã mang đi"

(IV-Phẩm Hoa, Pháp Cú 48)

Tích Pháp Cú: Ở cõi trời có vị thiên tử Ma-la-ba-ri đang dạo chơi cùng các phu nhân tiên nữ. Phúc thiên tử lớn nên cảnh trí ứng hiện theo ý muốn. Các vị vui chơi hưởng thụ muốn gì được nấy, cần gì khởi niệm mọi vật hiện ra như ý. Các vị vô cùng hạnh phúc.

Cõi trời khó có thể làm gì giúp ai thoát khổ để tạo phúc. Vì thiên tử thì ai cũng sướng chẳng có ai khổ mà cần cứu giúp. Các vị chỉ hưởng phúc cho đến khi hết phúc mà thôi. Khi hết phúc các thiên tử sẽ đọa vào cõi thấp hơn. Nếu chưa chứng Quả Dự Lưu còn có thể bị vào 3 ác đạo nếu còn ác nghiệp nặng.

Khi đó có một tiên nữ bay lên cành cây hái những cành hoa thì bất ngờ chết đi tan biến.

Ta chú ý: Cõi trời là cõi tâm thức nên các vị sinh do ý sinh giống như ngọn đèn được thắp sáng. Các vị chết do ý diệt và tan biến như ngọn đèn phụt tắt. Tuy nhiên cũng có sự báo trước và các vị cũng chia tay họ hàng quyến thuộc vợ con chứ không bất ngờ như cô tiên nữ này. Cõi tâm linh không có thân tứ đại: Đất, nước, gió, lửa như trần gian. Chúng sinh cõi trần khi chết sẽ để lại thân xác vật chất phân hủy theo thời gian. Còn cõi tâm linh chết tức tâm linh biến mất. Vị đó tan biến như ngọn đèn phụt tắt mà thôi.

Cô tiên nữ sinh đó xuống cõi người vào gia đình giàu có trong thành Xá Vệ thời Đức Phật. Khi sinh ra cô vẫn nhớ về tiền kiếp của cô. Cô nhớ cô là tiên nữ cõi trời có chồng là thiên tử Ma-la-ba-ri và cô rất yêu chồng. Kinh không nói tên cô gái đó là gì.

Cô thường nói với cha mẹ và mọi người rằng cô là tiên nữ cõi trời có chồng là thiên tử Ma-la-ba-ri người mà cô kính mến. Do cô kể về chồng và ca ngợi nhiều nên mọi người hay gọi cô với cái tên là: "Người tôn vinh chồng".

Cô có duyên được gặp Phật, quy Y Phật. Cô chuyên tâm vào việc cúng dường chư tăng. Gia đình cô giàu có nên cô không phải làm việc kiếm tiền. Họ cho cô làm việc theo ý thích là chuyên tâm cúng dường trai tăng cho tăng đoàn Đức Phật. Nhưng không phải cô cúng dường để mong tu hành đắc đạo cao siêu gì. Sâu trong tâm cô luôn mong ước được sinh về cõi trời nơi có chồng cô là thiên tử Ma-la-ba-ri.

Vào ngày cô tròn 20 tuổi. Sáng hôm đó cô làm lễ cúng dường chư tăng thì chiều cô bất ngờ chết. Lập tức cô hiện lại thành tiên nữ cõi trời ở vườn tiên giới. Thế nhưng cuộc vui của thiên tử Ma-la-ba-ri cùng các tiên nữ chưa tàn. Thiên tử thấy tiên nữ xuất hiện bèn hỏi:

- Lúc nãy nàng đi đâu ta không thấy?

Tiên nữ bèn kể lại câu chuyện: "Nàng bị chết ra sao ở cõi trời, đầu thai làm người, được gặp Đức Phật và cúng dường chư tăng, rồi tròn 20 tuổi thì nàng chết đi ở cõi người hiện hình trở lại nơi đây". Thiên tử Ma-la-ba-ri nghe xong than rằng:

- Cuộc sống loài người thật ngắn ngủi.

Ở thành Xá Vệ mọi người thương tiếc làm đám tang cho "cô gái xấu số bị chết trẻ". Các Tỳ kheo chưa đắc đạo cũng tiếc thương đến hỏi Phật:

- Bạch Thế Tôn, cô cư sỹ Phật tử, người mà hay đến Tinh xá cúng dường chư tăng đã bị chết đột tử. Ai nấy đều tiếc thương. Bạch Thế Tôn, vì sao người tốt như vậy lại bị chết trẻ?

- Này Tỳ kheo, cô gái đó đã sinh lại cõi trời và đang hạnh phúc bên cạnh người chồng mà cô yêu mến.

Sau đó Phật đọc bài kệ:

"Người nhặt các loại hoa

Ý đắm say tham nhiễm

Các dục chưa thỏa mãn

Thần chết đã mang đi"

(IV-Phẩm Hoa, Pháp Cú 48)

Bài học kinh nghiệm:

Bài học 1: Các dục chưa thỏa mãn thì đã chết

Cô tiên nữ đó đang nhặt các loại hoa ở tiên giới rồi chết bất thình lình khi "ý đắm say tham nhiễn, các dục chưa thỏa mãn". Chính vì ý tham nhiễm, dục chưa thỏa mãn nên sinh vào cõi người cô vẫn nhớ về đời sống trước. Khi đó cô là tiên nữ có chồng là Thiên tử Ma-la-ba-ri và cô rất yêu chồng.

Điều này giống với người trần gian bị chết đột tử bất thình lình bởi tai nạn giao thông, bom rơi, đạn lạc... Kẻ đó sang đời sống tâm linh mà vẫn nhớ như in đời sống cõi người nên khó siêu thoát. Một số clip do các nhà ngoại cảm tìm mộ liệt sỹ miêu tả. Có nhiều chiến sỹ chết rồi mà vẫn cầm súng chiến đấu. Trong khi đó cõi người đã hòa bình 50 năm. Đó là vì: "Ý đắm say tham nhiễm, các dục chưa thỏa mãn, thần chết đã mang đi".

Vì vậy dân gian ta có tục ngữ: "Chết trẻ khỏe ma, chết già ma nhược". Kẻ chết trẻ khi các dục chưa thỏa mãn, ý đắm say tham nhiễm thì khó siêu thoát. Họ thành ma rồi mà hay quậy phá, hoặc về báo mộng, hoặc tác động vào cõi dương.

Dân gian gọi kẻ chết trẻ khó siêu đó là "bà cô, ông mãnh". Đôi khi gia đình có Bà Cô Tổ linh thiêng lại thấy thích là sai. Vì họ giúp người dương thì ít mà làm người dương khổ thì nhiều. Họ không siêu thoát cứ bị giam ở cõi âm với "ý đắm say tham nhiễm, các dục chưa thỏa mãn" sẽ tác động vào tâm người dương. Từ đó tâm người dương sẽ buồn khổ, uất hận, thèm khát, ham muốn... như tâm vị cõi âm đó.

Còn người chết già ý chẳng tiếc nuối cuộc đời, các dục đã thỏa mãn, thân thể đã hao mòn đau nhức, răng chẳng còn cái nào, tóc còn vài sợi, mắt mờ chẳng thấy ai, tai thì gần điếc, tay chân thì Parkinson, ăn phải có người đút... Vị đó đã chán ngấy cuộc đời, chán ngấy cái thân, chẳng còn chút ham muốn gì. Thế nên vị đó chết dễ siêu.

Chính vì dân gian họ chỉ thấy ma người trẻ hiện về và chẳng bao giờ thấy ma ông già 80-90 tuổi hiện về cả. Thế nên họ nói: "Chết trẻ khỏe ma, chết già ma nhược".

Bài học 2: Cõi trời và cõi người

Trong triết học Phật Giáo thì cõi Trời là cõi cao nhất trong 6 ngả Luân Hồi. Cõi này tuy gọi là cõi Trời nhưng sự thật nó bao gồm toàn bộ tam giới: Trời dục giới, Trời sắc giới, Trời vô sắc giới. Trong khi đó toàn bộ: Địa ngục, súc sinh, ngã quỷ, người, thần đều nằm gọn trong Dục giới.

Trời dục giới: Cõi này các vị thiên tử vẫn còn dục và có giới tính nam/nữ. Nhưng các vị vô cùng thanh tịnh và không động dục. Trời dục giới trong Kinh Phật có 8 tầng. Ví dụ: cõi Tam thập tam thiên của vua trời Đế Thích hay cõi trời của thiên tử Ma-la-ba-ri trong truyện trên thuộc Trời dục giới.

Trời sắc giới: Cõi trời mà các thiên tử chỉ còn hào quang, tâm hỉ lạc và tuổi thọ rất lâu. Các vị không còn giới tính nam/nữ. Ví dụ: cõi Trời Phạm Thiên hay xuất hiện trong Kinh Phật thuộc Trời sắc giới. Kinh Phật liệt kê có 13 tầng Trời sắc giới.

Kinh Ba-lê thuộc Trường Bộ Kinh thì Phật có miêu tả về các vị Trời sắc giới như sau: "Vị đó ở tại đó, do ý sinh, nuôi sống bằng hỉ, tự chiếu hào quang, vi hành trên hư không, sống trong sự vinh quang, sống như vậy một thời gian rất dài". Tôi cảm giác các vị là một tinh tú trên bầu trời giống như Mặt trời vậy.

Trời vô sắc giới: Đây là cõi cao nhất trong Luân hồi. Cõi này là nơi mà các vị thánh nhập định an trú. Cõi này không còn giới tính nam/nữ, không còn hào quang, chỉ còn tâm hỉ lạc phủ trùm. Các vị Thánh trong thiền định nhập vào Vô sắc giới sẽ cảm ứng tâm với bất kỳ cõi nào trong Luân hồi. Khi vị đó khởi niệm thì hiện hình trong cõi đó vô cùng tự tại. Chính vì vậy ta thấy truyện tích Đức Phật bay lên trời gặp các Thiên Tử hoặc Đức Mục Kiền Liên hiện vào Địa ngục cứu mẹ là bà Thanh Đề.

Cõi trời là cõi thuần hưởng phúc và tiêu phúc. Các vị trời thì ai ai cũng đều hạnh phúc, không ai khổ. Nên ở cõi trời các vị không có điều kiện giúp ai thoát khổ để tạo thêm phúc. Sau khi tiêu xài hết phúc thì các vị đọa xuống tầng thấp trong Luân hồi. Nếu chưa đắc đạo từ Sơ quả còn có thể bị đọa vào 3 ác đạo.

Trong Luân hồi chỉ ở cõi người mới có thiện ác cùng tồn tại khiến buồn vui, sướng khổ đan xen. Còn 3 ác đạo: Địa ngục, súc sinh, ngã quỷ là thuần ngục hình, thuần ngu si, thuần đói khát cô đơn lạnh lẽo để trả nợ ác nghiệp. Cõi thần tiên (Thần, Trời) thì các vị thuần sung sướng để hưởng phúc đang có.

Nên chỉ ở cõi người mới là cõi để tu hành tách biệt chúng sinh đi về 2 hướng: Sướng hoặc Khổ. Ai biết tu sẽ đi trên con đường thiện tích phúc mà sinh vào cõi thần tiên hưởng phúc. Ai không tu thì có tâm ác sẽ tạo ác nghiệp mà tích tội đọa 3 ác đạo.

Bài học 3: Mục tiêu "tu để sinh Thiên đàng"

Đây là mục tiêu cao nhất của 100% các tôn giáo Chánh đạo trừ Đạo Phật. Đạo Giáo Lão Tử dạy tu theo "Đạo đức kinh" tích phúc, khi sống thì làm thánh nhân, khi chết thì làm thần tiên. Thiên Chúa Giáo dạy con chiên ngoan đạo vâng lời dạy của Chúa trong "Kinh Thánh" tích phúc sẽ được sinh Thiên đàng nước Chúa. Hồi giáo khuyên tín đồ làm thiện bỏ ác, học theo "Kinh Quara". Đến ngày phán xử nếu ai phúc nhiều hơn tội thì được sinh Thiên đàng. Ai tội nhiều hơn phúc thì đọa Địa ngục.

Còn Phật Giáo Nguyên Thủy thì Đức Phật Thích ca dạy tu Tam Nghiệp: Thân-Khẩu-Ý tích phúc to lớn sẽ sinh cõi Trời hoặc làm người giàu có, quyền lực. Không dừng lại tại đó, các vị phúc lớn sẽ từ bỏ gia đình sống không gia đình, thực hành giới luật Phật, từ bỏ phúc thế gian hướng phúc báu vào tu hành đắc đạo A-la-hán. Cuối đời các vị A-la-hán sẽ rời khỏi Luân hồi vào một nơi không còn khổ là Niết Bàn.

Phật Giáo Đại Thừa phát triển sau thời Phật Thích Ca đề thêm con đường Bát Nhã ba-la-mật. Các vị A-la-hán đắc đạo sẽ không vào Niết Bàn. Các vị phát Đại nguyện ở lại Luân hồi cứu độ chúng sinh (gọi là Bồ Tát) cho đến khi thành Phật mới nhập Niết Bàn.

Bài học 4: Công đức cúng dường thánh tăng

Ta thấy cô tiên nữ đầu thai làm cô gái và chăm chỉ cúng dường chư tăng thời Đức Phật. Tới năm 20 tuổi thì cô đủ phúc sinh trở lại cõi Trời. Vậy nên cúng dường Thánh tăng đặc biệt có các vị A-la-hán trong tăng đoàn Đức Phật thì phúc lớn.

Còn ai giúp nhầm kẻ ác nhân tạo tội thì sẽ được chia tội cùng họ. Ai cúng nhầm tà tăng truyền dạy mê tín dị đoan cũng chia tội cùng họ. Pháp luật gọi tội này là "Tội đồng lõa với tội phạm".

Bài học 5: Đầu thai thì quên hết kiếp trước

Ðại Kinh Ðoạn Tận Ái (Mahātanhāsankhaya Sutta) Kinh 38 trong Trung Bộ Kinh có đoạn Phật dạy: "Này các Tỷ-kheo, khi nào cha mẹ có giao hợp, và người mẹ trong thời có thể thụ thai, và Hương ấm (Gandhabba) có hiện tiền; có ba sự hòa hợp như vậy, thì bào thai mới thành hình". Vậy có 3 yếu tố để một chúng sinh ra đời: 1- Mẹ trong thời kỳ có thể mang thai. 2- Có sự giao hợp của cha mẹ và tinh cha huyết mẹ hòa hợp. 3- Có Hương ấm chờ đợi để nhập thai.

Chính vì vậy, trong văn hóa tâm linh người Việt nếu cha mẹ hiếm muộn thì hay đi cầu, đi lễ để xin có con. Đó chính là: "Xin cho Hương ấm nào đó hợp duyên với cha mẹ được sinh vào gia đình". Hương ấm dân gian còn gọi là Hương linh hay Linh hồn.

Triết học Phật giáo nói về 5 thành phần cấu tạo của chúng sinh trong Luân hồi gọi là Ngũ Ấm (hoặc Ngũ Uẩn): 1- Sắc ấm là thân thể vật chất. 2- Thọ ấm là cảm thọ buồn vui sướng khổ. 3- Tưởng ấm là trí nhớ, tưởng tượng, tư duy. 4- Hành ấm là hành động tạo nghiệp thiện ác. 5- Thức ấm chính là Hương ấm, Linh hồn còn gọi là tiềm thức, tàng thức, hồn, vía. Thức ấm cũng là nơi ghi nhớ Nhân quả của một chúng sinh trong Luân Hồi.

Khi ta chết đi thì thân thể tiêu tan là Sắc ấm biến mất. Ta vào cõi âm thì Thọ ấm buồn vui sướng khổ vẫn còn, Tưởng ấm là trí nhớ suy tư vẫn còn, Hành ấm tạo nghiệp vẫn còn, Thức ấm vẫn còn. Nhưng khi đầu thai chỉ có duy nhất Thức ấm (hương ấm) nhập thai. Còn Tưởng ấm, Thọ ấm, Hành ấm biến mất. Chính vì đầu thai Tưởng ấm biến mất nên kiếp sau ta không nhớ gì. Ai đầu thai mà vẫn nhớ kiếp trước là Tưởng ấm đã đi cùng Hương ấm khi thụ thai. Đây là trường hợp hi hữu hiếm gặp.

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.biz