ZingTruyen.biz

14 Tich Phap Cu Tap 1 Pc01 Pc60

"Tâm vô hình rong ruổi

Bí ẩn như bóng ma

Ai điều phục được tâm

Ma không còn trói buộc"

(III-Phẩm Tâm, Pháp Cú 37)

Tích Pháp Cú: Ở kinh thành Xá Vệ có Ngài tên là Tăng Hộ (San-ga-ga-ti-ta).

Các bạn chú ý: Những vị Trưởng lão nổi tiếng thời Đức Phật thì trong A-Hàm kinh từ thời Ngài Trần Huyền Trang nhà Đường đã nhắc đến nên có tên Việt hóa. Ví dụ tên gọi theo Pali của Ngài San-ga-ga-ti-ta thì A-Hàm gọi thành ngài Tăng Hộ. Hoặc tên theo Pali là tôn giả Sa-ri-pu-ta thì A-Hàm gọi là ngài Xá Lợi Phất. Tôi ưu tiên dùng theo tên A-Hàm vì hơn ngàn năm qua chúng ta đã quen dùng rồi.

Vị này rất nổi tiếng vì Ngài gặp Phật xuất gia tu hành 10 ngày sau chứng A-la-hán. Ngài có em gái út sinh ra cậu con trai. Em gái thương anh nên lấy tên anh đặt cho con gọi là Tăng Hộ Cháu.

Khi cậu bé lớn, mẹ thường hay dắt chú đi thăm bác là Trưởng lão A-la-hán Tăng Hộ. Khi chú bé lớn Tôn giả Tăng Hộ bảo em cho cháu xuất gia. Em gái vì tôn kính anh nên đồng ý cho con xuất gia. Tỳ kheo trẻ Tăng Hộ Cháu rất chuyên tâm tu hành.

Vào mùa an cư kiết hạ Tăng Hộ Cháu an cư ở Tinh xá xa bác cậu. Cậu được tín chủ vùng đó cúng 2 xấp vải đẹp. Tăng Hộ Cháu nhớ đến bác và muốn tặng bác 1 xấp. Kết thúc mùa hạ chàng về thăm bác và quỳ xuống cúng dường Tôn giả Tăng Hộ xấp vải đẹp nhưng Tôn giả từ chối:

- Ta nay đã có đủ 3 bộ y rồi. Con nên cất nó đi xem ai thiếu thì tặng.

- Thưa Tôn giả trong lòng con tôn kính Người nên con chỉ muốn cúng dường Người.

Người cháu nói mãi mà Tôn giả không nhận. Tôn giả là một A-la-hán nên vật chất thế gian Ngài không màng. Giới luật quy định mỗi Tỳ kheo chỉ được có 3 bộ quần áo và 1 cái bát (Tam y nhất bát). Ngài đã đủ nên không nhận. Còn Tăng Hộ Cháu chưa đắc đạo nên cố chấp.

Không tặng được y cho bác thì chàng buồn nghĩ quẩn tưởng bác không thương mình. Chàng cầm cái quạt quạt mát cho bác còn đầu nghĩ ngợi lung tung:

"Có ta và bác ở đây tình thân với nhau vậy mà bác không thương ta. Hay ta hoàn tục về nhà. Nhưng không biết về nhà mẹ ta có thương ta không? Nếu mẹ ta giận ta thì ta lấy 2 xấp vải này bán lấy tiền mua con dê cái. Con dê cái sẽ đẻ ra dê con. Ta sẽ nuôi tất cả thành một bầy dê. Rồi ta bán bầy dê lấy tiền cưới cô vợ đẹp. Cô vợ sẽ đẻ cho ta một cậu con trai kháu khỉnh.

Thế nhưng ta vẫn thương bác, nên lâu lâu ta sẽ mang nó đến thăm bác. Ta sẽ đóng một cái ghế đẩy rồi cùng vợ đẩy nó đến thăm bác. Nhưng đàn bà thì hay đuểnh đoảng đẩy xe vấp hòn đá khiến thằng bé rơi xuống đất. Ta sẽ lấy cái que đập vào đầu vợ ta một cái.... "

Nghĩ đến đó thì tâm chàng tức giận. Còn tay chàng đang cầm cái quạt thì đập mạnh vào đầu Tôn giả. Ngài Tăng Hộ quay sang nói:

- Ngươi không đánh trúng cái mụ đó mà ngươi đánh trúng cái đầu của ta.

Chàng Tăng Hộ Cháu sững sờ. Hóa ra toàn bộ ý nghĩ viển vông vớ vẩn, tào lao nhảm nhí, Sư đi lấy vợ có con... của chàng bị Tôn giả thấy hết. Quá ngượng mặt chàng mặt đỏ bừng bừng. Chàng vứt cái quạt lao đầu bỏ chạy. Các Tỳ kheo ở Tinh xá thấy Tỳ kheo trẻ nọ cắm đầu chạy thì bắt lại mang trình Đức Phật.

Tăng Hộ Cháu gặp Phật và kể lại sự việc:

"Bạch Thế Tôn, mọi việc bắt đầu từ 2 tấm vải đẹp. Con tặng Tôn giả 1 tấm mà Tôn giả không nhận... Rồi một ý nghĩ thầm khín xuất hiện trong đầu con... Con bán vải mua dê cái, dê cái đẻ đàn con. Rồi con bán đàn dê cưới vợ sinh con, vợ làm rơi đứa con của con, con giận và đánh vợ... Thế nhưng vì tay con đang cầm cái quạt quạt cho Tôn giả. Nên con đã đánh trúng vào đầu Tôn giả. Tôn giả nói: "Ngươi không đánh trúng cái mụ đó mà lại đánh trúng cái đầu của ta". Con ngượng quá nên bỏ chạy."

Đức Phật trách Tỳ kheo trẻ không biết tu tâm để tâm rong ruổi bằng bài kệ:

"Tâm vô hình rong ruổi

Bí ẩn như bóng ma

Ai điều phục được tâm

Ma không còn trói buộc"

(III-Phẩm Tâm, Pháp Cú 37)

Bài học kinh nghiệm:

Bài học 1: Ma không còn trói buộc

Tâm không hình không tướng nhưng nó chạy loạn rong ruổi mọi nơi, mọi ngóc ngách. Tâm bí ẩn như bóng ma vì chính nó làm chủ tâm hồn ta. Còn ta lại bị nó dẫn dắt đi lung tung. Ai điều phục được tâm khiến tâm yên bình, tĩnh lặng thì người đó không bị bóng ma đó trói buộc nữa. Kẻ đó đã làm chủ tâm hồn và tâm hiện ra rõ ràng chân chính chứ không còn "bí ẩn như bóng ma".

Bài học 2: Duyên gia đình

Ta thấy, em gái Ngài Tăng Hộ có anh xuất gia từ bỏ gia đình nhưng cô vẫn thường xuyên thăm hỏi. Cô có con thì đặt tên con theo tên anh. Anh bảo cô cho con trai yêu quý xuất gia thì cô vâng lời. Rồi Tăng Hộ Cháu có vải đẹp chỉ mong được tặng bác. Vậy nên tình thương yêu gắn bó giữa những người trong gia đình là duyên sâu đậm thắm thiết. Chính duyên này đã tạo thành tình cảm gia đình dù họ đã xuất gia từ bỏ gia đình.

Giống trường hợp của Thái tử Tất Đạt Đa. Sau khi Thái tử tìm được con đường giác ngộ thì Ngài quay về nước Thích Ca độ hết toàn bộ mọi người ở hoàng cung. Đó là vì duyên gia đình giữa những người thân yêu gắn bó với Đức Phật. Khi có duyên rồi thì Phật bảo gì mọi người đều tin tưởng nghe theo dù khó khăn vất vả thiệt thòi.

Nên có câu "Vô duyên với Phật, Phật không thể độ" tức Đức Phật chỉ độ được người có duyên mà thôi.

Bài học 3: Tâm rong ruổi

Tâm của ta không bao giờ dừng suy nghĩ. Kể cả lúc ngủ thì tâm ta vẫn suy nghĩ mà tạo thành giấc mơ. Thế nên Tăng Hộ Cháu tay cầm quạt, quạt cho bác mà tâm chạy rong tưởng tượng. Chàng đang là sư lại tưởng tượng bán vải, mua dê đẻ ra đàn dê con, đem bán lấy tiền cưới vợ có con, rồi mang cả gia đình đi thăm bác...

Nếu ta không biết tu thiền giữ tâm trong thanh tịnh thì 100% ta sẽ giống vậy. Đôi khi tâm ta còn mờ ám, ô uế, trần tục hơn thế rất nhiều. Nhưng may mắn thời nay không có ai đắc đạo để có Tha Tâm Thông đọc được tâm sâu kín của ta.

Nhưng ta đừng nghĩ rằng tâm ta không ai biết. Ta hãy nhớ câu rằng: "Tâm ta có ta biết, trời biết, đất biết, quỷ thần đều biết. Sao lại bảo không ai biết?"

Bài học 4: Tâm tức giận thì hành động vô thức

Ta thấy Tăng Hộ Cháu tâm tưởng tượng lung tung mà tay vẫn cầm quạt, quạt cho bác. Nhưng đến khi tưởng tới đoạn cô vợ đoảng đánh rơi đứa con yêu từ xe xuống đất thì chàng tức giận. Khi tâm tức giận thì hành động vô thức mất kiểm soát. Thế nên chàng đã cầm cái quạt đánh mạnh vào đầu bác mình.

Dân gian có câu: "Không làm khi giận. Không nói khi say". Khi tức giận thì mọi hành động đều mất kiểm soát bởi lý trí. Ta gọi là hành động vô thức tức tâm mất kiểm soát hành động. Còn khi say rượu thì mọi lời nói cũng mất kiểm soát bởi lý trí.

Kết quả là: Kẻ tức giận luôn có hành động trả thù ác độc để hả cơn giận mà khi hết giận thì hối đã muộn. Kẻ say thì mọi lời nói đều là "rượu nói". Họ lải nhải nói nhiều, nói dai, nói đi nói lại, chẳng đầu chẳng cuối, chẳng rõ nội dung ý tứ, chẳng cần biết có ai nghe hay không... Ta gọi là "Cẩu tửu". Tức say rồi nói chuyện như chó cắn. Còn kẻ say rồi biết đã say mà đi ngủ gọi là "Tiên tửu".

Bài học 5: Sư mà lại mơ lấy vợ có con?

Sư mà lại mơ lấy vợ có con? Tưởng rằng phi lý nhưng rất đúng tâm lý. Phàm tâm sinh lý thường tình của mọi loài vật đều hướng về bản năng sinh tồn và duy trì nòi giống. Bản năng sinh tồn là: Ăn, ngủ, vệ sinh, hít thở. Bản năng duy trì nòi giống là tình dục để có con. Dân gian gọi là "Tứ khoái: Ăn, ngủ, tình dục, vệ sinh" tức bỏ xót khoái "hít thở".

Sư chưa đắc đạo thì vẫn là người phàm. Trong tâm sư vẫn có bản năng sinh tồn và duy trì nòi giống. Sư chỉ khác người thường là có môi trường thuận tiện cho tu hành: Có kinh sách, có chúng hội tu hành, có điều kiện hộ trì các căn tránh xa thế tục.

Thế nên sư vẫn tham ăn, tham ngủ, tham chơi... và vẫn tham dục. Khi tu thiền chứng Chánh niệm tỉnh giác diệt xong 5 Triền cái: Sân, Hôn trầm thụy miên, Tham ái, Trạo hối và Nghi. Khi đó tâm sư mới không còn Tham ái động dục. Còn khi chứng Sơ thiền ly dục, ly ác pháp thì tâm sư tịnh dục và thuần thiện.

Bài học 6: A-la-hán vĩ đại

Thường một vị A-la-hán muốn vận Lục Thông thì phải ngồi thiền nhập định Tứ thiền. Trong định Tứ thiền thì thần thông mới phát khởi. Nhưng ở đây ta thấy Tôn giả Tăng Hộ không ngồi thiền nhập định mà lại khởi Tha Tâm Thông thấy rõ tâm của cháu. Ta biết Tôn giả Tăng Hộ gặp Phật tu thiền 10 ngày thì đắc A-la-hán. Thế nên Tôn giả là một vị A-la-hán vĩ đại có năng lực vượt hơn các A-la-hán khác.

Cũng vậy, trong nhiều Tích Pháp Cú ta thấy ngài Mục Kiền Liên không ngồi thiền nhập định mà phát thần thông siêu việt. Hoặc có ai hỏi gì Đức Phật, thì Phật lập tức thấy rõ nghiệp duyên chúng sinh vô lượng kiếp bằng Thiên Nhãn Minh vĩ đại. Vậy nên các vị A-la-hán vĩ đại luôn giữ tâm trong định. Còn A-la-hán thường phải ngồi thiền mới nhập định.

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.biz